Tin tức

Hóa chất phòng thí nghiệm

1. Hóa chất phòng thí nghiệm là gì?

Hóa chất phòng thí nghiệm là những chất hóa học được dùng cho nghiên cứu hoặc thực hành ở phòng thí nghiệm, có thể là chất vô cơ, chất hữu cơ hoặc thậm chí là các mẫu sinh học.

IMG_256 

Hình 1. Hóa chất phòng thí nghiệm

Để có thể chủ động đảm bảo an toàn, cần đọc kỹ các thông tin ghi trên nhãn của chai lọ hóa chất.

Hình 2. Các thông tin trên Nhãn hóa chất

Có thể bắt gặp các ký hiệu tượng hình cung cấp một số thông tin cảnh báo về nguy cơ cháy nổ, độc tính với người và môi trường... trên nhãn hóa chất. 

Hình 3. Một số ký tự tượng hình gặp trên nhãn hóa chất

Ngoài ra cũng có thể tra cứu thông tin về hóa chất như tính chất vật lý (nhiệt độ nóng chảy, độ sôi, điểm bay hơi...), độc tính, mức độ ảnh hưởng sức khỏe, biện pháp sơ cấp cứu, khả năng phản ứng, bảo quản, xử lý chất thải, và một số thông tin liên quan đến hóa chất khác trong Bảng chỉ dẫn an toàn MSDS (Material Safety Data Sheet) do nhà sản xuất hay phân phối hóa chất cung cấp.

Hình 4. Các thông tin trên Bảng chỉ dẫn an toàn hóa chất MSDS

Trên các bảng chỉ dẫn an toàn hóa chất MSDS, có thể gặp các mã màu với các mức độ cảnh báo thể hiện theo cấp số

Hình 5. Nhãn màu hóa chất độc

  • Màu xanh (kèm số) cho biết mức độ ảnh hưởng sức khỏe
  • Màu đỏ (kèm số) cho biết mức độ dễ cháy
  • Màu vàng (kèm số) cho biết mức độ hoạt động của hóa chấtMàu trắng cung cấp một số đặc điểm riêng của hóa chất2.Cách sắp xếp hóa chất phòng thí nghiệm

2. Hóa chất phải được sắp xếp và bảo quản đúng để đảm bảo an toàn. 

    Hầu hết hóa chất được yêu cầu đựng trong các bình trơ, đậy kín như bình nhựa, lọ thủy tinh. Một vài hóa chất đặc biêt cần được bảo quản trong bình chứa có nhiệt độ, áp suất, dung môi thích hợp. Ví dụ kim loại có khả năng phản ứng cao như natri phải được ngâm trong dầu khoáng; khí oxy, heli, nitơ phải được bảo quản trong bình kim loại điều áp; hóa chất dễ bay hơi như cồn, eter, ceton... phải được bảo quản ở nhiệt độ thấp để tránh bay hơi, cháy nổ. Một vài hóa chất độc không được dự trữ mà sẽ được pha chế trước khi dùng.

Một số nguyên tắc cơ bản khác cần biết để sắp xếp hóa chất phù hợp, an toàn:

     -  Bình chứa hóa chất: Cần được dán nhãn thích hợp để bạn tránh nhầm lẫn và cảnh báo nguy hiểm. Các bình chứa hóa chất quá nhỏ có thể dán nhãn vào bình chứa thứ cấp (giá, khay chứa).

     -  Phân loại hóa chất: Những hóa chất dễ phản ứng với nhau (không tương thích) cần được tách riêng, không để cùng một kệ hoặc tủ chứa.

Hình 6. Ma trận sự không tương thích của hóa chất

     -  Dự trữ lượng tối thiểu hóa chất: không nên trữ lượng lớn hóa chất trong phòng thí nghiệm, đặc biệt là chất độc. Chỉ dự trữ lượng vừa đủ với nhu cầu và để trong kho riêng.

     -  Duy trì kiểm kê: Đảm bảo ghi chú hạn sử dụng hóa chất, số lượng dự trữ.

     -  Không dự trữ hóa chất trong bồn nước: cất hóa chất trong bồn nước có thể làm hóa chất bị ẩm hoặc gây phản ứng.

     -  Cất hóa chất ở độ cao thích hợp: Tủ chứa và kệ không nên quá cao để có thể lấy hóa chất dễ dàng, tránh đổ vỡ. 

     -  Duy trì điều kiện môi trường phù hợp: Đảm bảo hóa chất ở nhiệt độ và độ ẩm phù hợp. 

     -  Dùng giá và khay: sử dụng khay và giá để bảo quản hóa chất trong tủ giúp tránh cho tủ bị ăn mòn bởi hóa chất nhỏ giọt và thuận tiện cho việc sắp xếp, lấy hóa chất...

IMG_256

Hình 7. Hóa chất được lưu trữ trong tủ

3. Cách loại bỏ chất thải hóa chất trong phòng thí nghiệm

Hóa chất đã qua sử dụng hay hết hạn cần được loại bỏ thích hợp để tránh gây hại cho sức khỏe con người và ảnh hưởng môi trường.

Những quy tắc chung:

     -  Sử dụng bình chứa phù hợp: Trong hầu hết trường hợp, bình nhựa được sử dụng vì tính trơ, không có nguy cơ xảy ra phản ứng không mong muốn, chịu va chạm vật lý tốt. Các chất thải hóa chất có phản ứng với nhựa có thể được đặt vào bình chứa thủy tinh.

     -  Cẩn trọng khi đổ xuống cống: một số acid hữu cơ như acid acetic, các chất không gây hại hoặc có khả năng tự phân hủy có thể được hòa loãng và đổ xuống cống. Tuy nhiên, các hóa chất như halogen hữu cơ, thuốc trừ sâu hữu cơ, dầu khoáng, hydrocarbon, kim loại nặng (antimon, arsen, chì, sắt, thủy ngân...) cần được phân loại, chứa trong các bình chứa riêng và không được đổ trực tiếp xuống cống.

     -  Niêm phong và Dán nhãn: Một vài chất thải có độc tính cao, như amiang và cyanua, phải được niêm phong và dán nhãn. 

Chất thải phòng thí nghiệm cần được xử lý định kỳ bởi các cơ quan có chức năng xử lý chất thải.

IMG_256

Hình 8. Chất thải phải được bảo quản trong bình chứa phù hợp có dán nhãn, niêm phong

Hình 9. Nhãn cho bình đựng chất thải hóa chất

4. Cách xử lý hóa chất rơi vãi trong phòng thí nghiệm

      Rơi vãi hóa chất trong phòng thí nghiệm có thể gây nguy hiểm và ăn mòn, do đó bất kì rơi vãi nào cũng phải được xử lý ngay lập tức.

Tùy vào loại hóa chất mà sẽ có cách xử lý khác nhau

  • Chất lỏng ăn mòn: pha loãng với nước và lau với khăn dày
  • Acid: trung hòa bằng bột soda hoặc natri bicarbonat
  • Base: trung hòa bằng acid citric hoặc acid ascorbic

Không chạm vào hóa chất khi chưa có đồ bảo hộ (găng tay, kính bảo hộ, áo bảo hộ, khẩu trang,...)

Tài liệu tham khảo 

  1. Guidelines for Chemical Laboratory Safety in Academic Institutions
  2. https://www.chemicals.co.uk/blog/what-are-laboratory-chemicals 4
Khoa Dược

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        1,619,391       13/793