Tin tức

Kỷ niệm 66 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2012).

Sau cách mạng tháng tám 1945, thực dân Pháp tìm mọi cách thục hiện dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa.

      Bội ước hiệp định sơ bộ 6/3/1945 và thoả ước 19/4/1945, thực dân Pháp ráo riết tăng cường lực lượng và đến tháng 11/1946, số quân của chúng đã lên tới 10 vạn. Chúng lần lượt cho quân đổ bộ trái phép vào Đà Nẵng, Đồ Sơn, Cát Bà đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và chuẩn bị kế hoạch đánh vào cơ quan đầu não của ta ở thủ đô Hà Nội.

     Ngày 18 và 19/12/1946, hội nghị mở rộng Ban chấp hành Trung Ương Đảng họp khẩn cấp ở Vạn Phúc, Hà Đông quyết định phát động cả nước kháng chiến và chỉ ra đường lối kháng chiến lâu dài.

     Ngày 19/12/1946, chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Người nói: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng bắt chúng ta nhân nhượng. nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa".

     Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

    Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên. Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ ngưới già, người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt thì phải đứng lên chống thực dân Pháp. Ai có súng cầm súng, ai có gươm cầm gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

     Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân giờ cứu nước đã đến, ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước…”

     Đáp lời kêu gọi cứu nước của chủ tịch Hồ Chí Minh, theo đường lối kháng chiến đúng đắn do Đảng vạch ra, thanh niên cả nước cùng toàn dân nhất tề đứng lên giết giặc cứu nước. Đêm 19/12/1946, tiếng súng giết giặc của thủ đô Hà Nội đã nổ, mở đầu cuộc kháng chiến. Quân và dân cả nước cũng đã vùng lên kháng chiến và giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, giữ vững độc lập, chủ quyền dân tộc ta.

     Vụ nổ súng gây hấn ở Sài Gòn ngày 23 tháng 9 năm 1945 là màn mở đầu của cuộc chiến tranh xâm lược lại nước Việt Nam do thực dân Pháp tiến hành. Ngọn lửa chiến tranh lan rộng nhanh chóng khắp vùng Nam Bộ và Nam Trung bộ. Cùng thời gian đó, 18 vạn quân Tưởng tràn vào miền Bắc, kéo theo bè lũ tay sai phản động hòng bóp chết nền Dân chủ Cộng hòa trẻ tuổi của chúng ta.

    Trước tình hình nguy ngập của vận nước, Đảng ra chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc" (25-11-1945) vạch ra kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng.

    Nhưng trong tình hình phức tạp, một lúc phải chống chọi với nhiều kẻ thù bên ngoài và bên trong, Đảng đề ra sách lược đấu tranh sáng suốt nhằm bảo toàn lực lượng, tranh thủ thời gian để chuẩn bị tích cực cho cuộc chiến đấu sắp tới. Thực hiện sách lược "Hòa để tiến", Hồ Chủ Tịch đã ký với Pháp bản Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, cho 15 ngàn quân Pháp vào thế quân Tưởng rút về nước. Khi quân Tưởng rút, bọn tay sai còn lại bị tan rã. Thế là ta đã gạt phăng một kẻ thù nguy hiểm là quân Tưởng để tập trung mũi nhọn vào thực dân Pháp.

   Những cuộc đàm phán tiếp theo với Pháp ở Hội nghị trù bị Đà Lạt (tháng 4 đến tháng 5), hội nghị chính thức ở Phông-ten-nơ-bơ-lô bên Pháp (tháng 7 đến tháng 9) không đem lại kết quả. Đế quốc Pháp ngoan cố không công nhận nền độc lập thực sự và chủ quyềh toàn vẹn của dân tộc ta. Chúng ta kiên quyết giữ vững lập trường hòa bình trong tự do, bình đẳng chứ không hòa bình trong nô lệ. Để ta có thời gian chuẩn bị lực lượng, ta ký với Pháp bản tạm ước 14 tháng 9.

     Đảng nhận định không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh ta và ta nhất định phải đánh Pháp. Cho nên mọi việc chuẩn bị phải được tiến hành tích cực, kịp thời và chu đáo. Đầu tháng 11, Hồ Chủ tịch viết bài "Công việc khẩn cấp bây giờ" đặt nền móng tư tưởng chỉ đạo đường lối kháng chiến trong cả nước.

     Từ cuối tháng 11, giặc Pháp càng lộ rõ thái độ hiếu chiến. Sau một thời gian ngắn ngừng bắn theo tinh thần bản tạm ước 14.9, giặc Pháp nổ súng trở lại trên các chiến trường miền Nam. Với tinh thần cảnh giác cao, tích cực tranh thủ thời gian để củng cố và phát triển lực lượng, quân dân miền Nam đánh trả địch cho những đòn đích đáng. ở ngoài Bắc, giặc Pháp dùng hải, lục, không quân đánh phá Hải Phòng, cướp đoạt thuế quan và nổ súng chiếm đóng thị xã Lạng Sơn. Tội ác của thực dân Pháp càng khơi sâu lòng căm thù giặc của dân ta. Quân dân Hải Phòng, Lạng Sơn đứng dậy đấu tranh anh dũng bảo vệ thành phố thân yêu của mình. Những cuộc xung đột vũ trang lẻ tẻ ở các địa phương báo hiệu nguy cơ chiến tranh đang tới gần. Nghe theo lời dạy của Hồ Chủ tịch, toàn dân hăng hái chuẩn bị kháng chiến và sẵn sàng đợi lệnh.

     Đầu tháng 12, giặc Pháp càng khiêu khích trắng trợn. ở Hà Nội hầu như không có ngày nào là ngày xảy ra những vụ bắn phá, giết người, cướp của. Nghiêm trọng nhất là vụ chúng cho lính đến phá phách Phòng thông tin Tràng Tiền trong suốt 3 ngày liền từ mùng 2 đến mùng 4. Chiều mùng 7 chúng chiếm đóng nhà Ngân hàng Pháp-Hoa. Xe tăng, xe bọc thép chở lính Pháp ngược xuôi khắp đường phố, cán chết người đi đường, húc đổ nhà cửa. Đồng bào vô cùng căm giận nhưng đã thực hiện đúng lời Hồ Chủ tịch căn dặn phải bình tĩnh, sáng suốt, không mắc vào âm mưu khiêu khích của địch.

    Nhân dân Thủ đô khẩn trương chuẩn bị cho cuộc chiến đấu. Cụ già, em nhỏ được hướng dẫn tản cư ra ngoài thành phố. Thanh niên, phụ nữ được tổ chức thành những đơn vị tự vệ. Hà Nội biến thành một chiến lũy kiên cố. ụ chiến đấu mọc lên khắp nơi, đồ đạc trong nhà đem xếp ra đường thành những chướng ngại vật đồ sộ, đường giao thông xuyên qua tường các nhà trong phố.

    Chiều 16 và sáng 17, giặc Pháp gây vụ thảm sát ở phố Yên Ninh-Hàng Bún, bia căm thù đến nay vẫn còn đó: hàng chục người bị giết, nhà cửa bị đốt phá tan hoang. Sáng 18, giặc Pháp nổ súng vào khu vực hàng Khoai-chợ Đồng Xuân, 21 giờ hôm đó, chúng gửi tối hậu thư đòi tước vụ khí vệ quốc đoàn, tự vệ và công an, đòi kiểm soát trật tự trị an trong thành phố. Những hành động đó chứng tỏ địch đã sẵn sàng nổ súng ăn cướp nước ta một lần nữa.

    Đảng và Hồ Chủ tịch đã dự đoán trước tình thế này tất nhiên sẽ xảy ra và ra sức lãnh đạo nhân dân ứng phó kịp thời, kiên quyết.

    20 giờ ngày 19 tháng 12, đèn điện ở Hà Nội phụt tắt, súng nổ ầm trời. Cuộc chiến tranh xâm lược của giặc Pháp đã bắt đầu trên toàn quốc. Giờ cứu nước đã đến! Pháo của ta từ Láng, từ Xuân Tảo trút căm hờn vào đầu giặc Pháp đóng ở trong thành. Các chiến lũy được củng cổ vững chắc. Cây bị chặt đổ, cột đèn bị ngả xuống, các toa xe điện nằm chắn ngang đường. Trong khói lửa mù mịt, nhân dân Hà Nội người nào việc nấy, dốc sức cho cuộc chiến đấu sống mái với quân thù.

    Giặc Pháp cho xe bọc sắt và bộ binh đến đánh úp đơn vị quân ta đóng ở trụ sở liên lạc Việt - Pháp. Các chiến sĩ Vệ quốc đoàn chiến đấu dũng cảm, hy sinh đến người nhà máy điện, nhà máy nước Yên Phụ, đầu cầu Long Biên. Chúng hí hửng tưởng rằng chỉ trong 24 tiếng đồng hồ là có thể nuốt chửng Hà Nội! Nhưng không, chúng đã lầm. Với tinh "thần quyết tử để cho Tổ Quốc quyết sinh", quân dân Thủ đô đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, ngăn chặn bước tiến của chúng. Những đoàn xe của Pháp từ trong thành ra vấp phải chướng ngại vật trên đường phố, di chuyển rất chậm chạp.

     Lợi dụng thời cơ đó, tự vệ cùng nhân dân từ trên gác cao quăng giường tủ xuống đường, ném lựu đạn, lao bom, nã súng như đổ lửa vào đầu giặc. ở nhà máy đèn Bờ Hồ, trong chớp nhoáng, công nhân cùng bộ đội đã diệt toàn bộ quân địch đóng ở đây, không để một tên sống sót. ở Bắc Bộ phủ, trụ sở của Chính phủ khi đó (nay là Nhà khách, đường Ngô Quyền), chiến sĩ ta chiến đấu ngoan cường suốt đêm đến sáng. Các quyết tử quân ôm bom ba càng lao vào phá hủy chiến xa địch. Hàng loạt bom, chai cháy, lựu đạn từ các cửa sổ tung xuống đầu giặc, làm cho chúng khiếp vía hoảng hồn. Hơn 20 nam nữ công nhân nhà Bưu điện Bờ Hồ cùng đơn vị Vệ quốc đoàn ở đó đánh lui nhiều đợt tấn công của địch. Trong suốt một ngày, chúng không thể nào chiếm nổi nhà bưu điện, để lại 122 xác chết cùng 2 xe tăng, 2 xe vận tải, 1 xe díp. Trận đánh ở đầu cầu Long Biên đã diệt 70 tên địch, phá hủy 4 xe tăng, 2 xe vận tải. Nhiều trận giao chiến quyết liệt diễn ra ở nhà máy Yên Phụ, đầu phố Hàng Lọng (đường Nam Bộ), ga Hàng Cỏ, Đồn Thủy, Phà Đen, trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An), nhà máy bia.

     Ngày đầu tiên của cuộc kháng chiến trường kỳ đã diễn ra ở Hà Nội như vậy. Tại các thành phố khác, cuộc kháng chiến chống Pháp cũng bùng nổ vào đêm 19. Cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ta đã giam chân địch, ngăn chặn bước tiến của chúng, tạo thời cơ thuận lợi cho việc chuẩn bị kháng chiến lâu dài.

     Ngày 20, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: "Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân cứu nước".

     Dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng của Đảng, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, toàn dân ta anh dũng bước vào cuộc chiến tranh yêu nước thần kỳ để nói:

     Chín năm làm một Điện Biên

     Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng.

 

    20/7/1954, hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, giặc Pháp phải rút khỏi miền Bắc, một nửa nước thân yêu của chúng ta được giải phóng và đi lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước thắng lợi sau này, giải phóng hoàn toàn đất nước, thống nhất Tổ quốc Việt Nam.

Sau đây là một số hình ảnh về ngày toàn quốc kháng chiến

Ngày 19/12/1946, pháo đài Láng là nơi bắn phát đạn đầu tiên vào thành Hà Nội,

mở đầu ngày toàn quốc kháng chiến.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người đang chỉ tay vào bản đồ, thứ ba từ trái sang) báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh

(người quay lưng, thứ hai từ trái sang) kế hoạch phá tan âm mưu của Pháp tấn công Việt Bắc, thu - đông năm 1947.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát trận địa ở mặt trận Đông Khê, năm 1950.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bộ đội rước ảnh Hồ Chủ tịch đi tuần hành trên những chiếc xe tăng chiến lợi phẩm

giữa tiếng hoan hô vang dội của quân, dân năm 1954.

Đoàn - Hội SV Trường

Lễ kỷ niệm


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        15,249,795       6/790